KHỞI SẮC BỨC TRANH NÔNG NGHIỆP BẢO THẮNG

    Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện và đạt được những thành tựu khá toàn diện.

    Nhìn lại bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp của Bảo Thắng năm 2023 có nhiều sự bứt phá nổi bật; tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Qua đó, đưa Bảo Thắng trở thành điểm sáng của tỉnh về phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

anh tin bai

Ảnh: Bát ngát màu xanh vùng chè Phú Nhuận

    Một trong những kết quả nổi bật sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là Bảo Thắng đã tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại; lâm nghiệp đã chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến tốt, chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất đã đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân; công tác giảm nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm.

    Trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, huyện đã quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn như: Vùng thâm canh lúa nước, Vùng trồng lúa chất lượng cao gắn với thương hiệu sản phẩm, vùng trồng ngô, vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới, vùng chăn nuôi đại gia súc, vùng trồng rừng kinh tế...từ đó các cơ sở đã bám sát quy hoạch để thực hiện tại địa phương. Nổi bật trong trồng trọt đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng. Mở rộng diện tích thực hiện canh tác cánh đồng một giống, trồng ngô thâm canh, đồng thời bố trí lịch thời vụ chặt chẽ, sử dụng cơ cấu giống hợp lý. Thực hiện tốt công tác kiểm soát giống, vật tư đầu vào sản xuất, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

anh tin bai

Ảnh: Cây na phát triển phù hợp với đồng đất Bảo Thắng và cho giá trị kinh tế cao

    Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây - con phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Sản xuất lương thực tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao và mở rộng thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích thực hiện canh tác cánh đồng một giống, trồng ngô thâm canh mật độ cao, hàng năm năng suất, sản lượng đều vượt và đạt kế hoạch giao. Tổng sản lượng lương thực có hạt thực hiện năm 2023 đạt trên 35.000 tấn, tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2022. Đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau các loại như: Cải bắp, su hào, rau cải các loại, đậu quả, cà chua, su su...Với quy mô sản xuất đạt 1.275 ha, sản lượng đạt 19.952 tấn. Các sản phẩm đã đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, một số loại rau được tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng trong, ngoài tỉnh. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 120,2 ha tại xã Thái Niên, Gia Phú, Sơn Hải, gồm (rau 3,2 ha HTX công nghệ cao Sơn Hải, HTX hữu cơ Gia Phú, cây ăn quả (bưởi, cam) 117 ha (Công ty cổ phần TM Hoàng Lan); giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân ước đạt trên 300 triệu đồng. Sản xuất kinh doanh chè được tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và chế biến sản phẩm. Diện tích chè 509 ha, sản lượng đạt trên 3.232 tấn.

anh tin bai

Ảnh: Bảo Thắng phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại

     Huyện Bảo đã thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn; khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi quy mô trang trạiChăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, phát triển sản xuất hàng hóa, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 30 tấn, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 2,1% (tương đương tăng 623 tấn). Trong chăn nuôi đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu được các doanh nghiệp thực hiện tốt, đã phát triển được 5 cơ sở chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao và 111 trang trại. Công tác kiểm dịch trong vận chuyển gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ được thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật qua biên giới. Đã chủ động phòng chống dịch bệnh, chống đói rét cho gia súc, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.  Đối với chăn nuôi thuỷ sản đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đồng thời đưa một số giống cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cá lăng, cá quả, cá chép lai, cá rô phi đơn tính... Tỉnh đã đầu tư xây 01 trại sản xuất giống cá cấp 1 ở xã Phú Nhuận, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 4 triệu con giống/năm; 01 HTX sản xuất kinh doanh Thủy sản tại thị trấn Phong Hải, cung cấp cá giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho Nhân dân trong vùng, với nguồn cá giống của Trại giống thủy sản cấp 1 và HTX sản xuất kinh doanh thủy sản cơ bản đã đáp ứng một phần nhu cầu của các hộ nông dân. Diện tích và sản lượng thủy sản không ngừng tăng qua các năm diện tích  thuỷ sản 850 ha, tăng 92 ha so với năm 2022, sản lượng đạt 4.777 tấn, so với cùng kỳ tăng 12,3%, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn của tỉnh Lào Cai và nhiều sản phẩm qua ứng dụng trong chuyển đổi số đã được xuất bán ra địa bàn ngoài tỉnh.

anh tin bai

Ảnh: Nhiều địa phương nông dân làm giàu từ trồng quế

         Trên lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái được thực hiện nghiêm. Lâm nghiệp đã chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước thuần tuý sang lâm nghiệp xã hội có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Đã hoàn thành rà soát quy hoạch, cắm mốc 3 loại rừng, đặc biệt đã quy hoạch phát triển mạnh rừng kinh tế, gắn việc xây dựng vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và thu nhập từ rừng. Việc phát triển rừng kinh tế gắn trách nhiệm với quyền lợi người trồng rừng đã tạo ra động lực mới trong phong trào phát triển lâm nghiệp tại các địa phương; người lao động làm lâm nghiệp từng bước gắn bó với rừng và làm giàu từ rừng; nhiều hộ gia đình đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng rừng sản xuất. Từ chỗ khai thác tài nguyên rừng đã chuyển sang trồng mới, bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh và khai thác rừng trồng một cách hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ che phủ lên 58,3%, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện khai thác lâm sản gỗ vườn rừng, rừng trồng, cây trồng phân tán với khối lượng gần 13.000m³ gỗ tròn từ nhóm IV - VIII; giá trị ước đạt trên 21 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 110 triệu đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.

anh tin bai

Ảnh: Bảo Thắng rạng rỡ chiều hoàng hôn buông

    Có thể thấy, với những thành công vượt bậc trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cùng những cách làm hay, sáng tạo…, diện mạo nông thôn Bảo Thắng có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng Kinh tế - Xã hội từng bước được hoàn thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%; an sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, vị thế của người nông dân được nâng lên, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy./.

Duy Trinh
Tin tức
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang