QUY ĐỊNH 85-QĐ/TW – “VẮC XIN” CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHÒNG CHỐNG THÔNG TIN XẤU – ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Mạng xã hội phát triển đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dùng nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng. Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, tính đến quý I/2023, Việt Nam có hơn 70 triệu thuê bao internet, hơn 70 triệu tài khoản MXH, trong đó có hơn 66 triệu tài khoản Facebook, 60 triệu tài khoản YouTube và 50 triệu tài khoản TikTok. Đứng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời gian qua đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương đồng thời chia sẻ trên mạng xã hội, Internet những việc hay, việc tốt, những gương điển hình trên mọi lĩnh vực. Nhiều cán bộ, đảng viên cũng đã chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định, từ đó có nguy cơ vi phạm khi tham gia mạng xã hội, thậm chí cán bộ, đảng viên còn hưởng ứng, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật...
Để tạo bước đột phá cho công tác tuyên truyền đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc tư tưởng của Đảng, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quy định 85 -QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, MXH. Theo đó, có 6 nội dung cơ bản trong Quy định 85 đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện, 7 nội dung cơ bản đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành và 3 hành vi vi phạm Quy định 85 cán bộ, đảng viên cần tránh.
Để thực hiện tốt quy định này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định. Tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về bảo vệ Bí mật nhà nước; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Đối với mỗi đảng viên, cần phải tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện nêu gương; việc chấp hành quy định “những điều đảng viên không được làm”. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố tích cực để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, lan tỏa các hình ảnh, thông tin tích cực như gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn trên mạng xã hội; phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin, trước khi chia sẻ, đăng tải. Từ đó hình thành tác phong ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần tạo niềm tin, động lực tích cực trong cộng đồng.