image banner
 
Tuyên truyền ca bệnh Whitmore

Khoảng 09h00 phút, ngày 26/9/2024, nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai ghi nhận 01 trường hợp bệnh Whitmore hiện đang điều trị tại khoa truyền thiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.  UBND xã Thái Niên  thông tin nhanh nội dung ca bệnh như sau:

1. Thông tin ca bệnh

- Họ và tên: N.V.N

- Sinh ngày: 23/01/1972.

- Giới tính: Nam.

 - Dân tộc: Kinh

- Địa chỉ: thôn Cam 4, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

- Ngày khởi phát: 14/9/2024.

- Ngày nào viện: 23/9/2024.

2. Diễn biến bệnh

- Cách ngày vào viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ, không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Sau 01 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ho ít. Sau đó sốt, ho tăng dần, đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Ở nhà bệnh nhân chưa điều trị thuốc gì. Ngày 23/9/2024, bệnh nhân vào viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám bệnh, sau đó được chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.

- Tình trạng lúc vào viện: bệnh nhân tỉnh, mệt mỏi, da niêm mạc hồng, rải rác mụn mủ 2 chân, cánh tay, lưng; sốt 39ºC, rét run; không nôn. Bệnh nhân ho đờm, khó thở nhẹ, họng sạch, không giả mạc. Hội chứng nhiễm trùng dương tính. Tim nhịp đều, Tim 1 Tim 2 rõ. Phổi không rales. Bụng mềm không chướng, gan lách không to. Đại tiểu tiện bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán: sốt chưa rõ nguyên nhân.

- Bệnh nhân được làm các xét nghiệm: huyết học, sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, vi khuẩn nuôi cấy và định danh bằng hệ thống tự động, chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng, chụp CT lồng ngực có tiêm thuốc cản quang. Được xử trí: Thở oxy gọng kính, truyền dịch, kháng sinh (Tenamyd-Ceftazidime, Vancomycin), giảm ho, khí dung.

 - Kết quả cận lâm sàng: Công thức máu: WBC 17,37 G/L, NEU 15,13 G/L; Sinh hóa máu: Glu 7,6 mmol/l, Pro TP 64,4 g/l, Pro-calcitonin 13,47 ng/ml. Chụp CT lồng ngực: các đám tổn thương đông đặc thâm nhiễm rải rác 2 phổi, tràn dịch khu trú màng phổi phải. Vi khuẩn nuôi cấy và định danh tự động kết quả: Burkholderia pseudomallei.

- Tại thời điểm điều tra hồi 09h15 phút ngày 26/9/2024: bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc hồng, còn sốt, mệt nhiều, khó thở nhẹ, mụn mủ rải rác 2 chân, tay, lưng, phù 2 chân.

3. Tiền sử bệnh tật - Tiền sử bệnh tật: Hen phế quản, xịt ventolin dự phòng.

- Tiền sử gia đình và xung quanh: gia đình và hàng xóm xung quanh không ai mắc bệnh như bệnh nhân.

- Dịch tễ: trong thời gian 15 ngày trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân ở tại xã không di chuyển ra khỏi địa phương.

4. Nhận định Bệnh Whitmore được biết đến với tên gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người.

Căn bệnh truyền nhiễm này gây ra do vi khuẩn gram âm tên Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn B. pseudomallei được phát hiện trong đất và nước. Bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ không có đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp với bệnh (nhiễm trùng da, viêm phổi, kết quả cấy máu ra Burkholderia pseudomallei). Đầu tháng 9/2024 Lào Cai bị ngập lụt nặng nề sau bão số 3, chính vì vậy nguy cơ người dân mắc bệnh Whitmore có thể gia tăng nếu không có các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp.

Trước tình hình đó. Chủ tịch UBND xã Thái Niên yêu cầu trạm y tế xã và các thôn thực hiện tốt một một số nội dung sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng bị lũ, lụt các biện pháp phòng chống dịch bệnh qua da, niêm mạc, phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là bệnh Whitmore:

+ Whitmore là bệnh chưa có vắc xin dự phòng đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

 + Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

+ Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

+ Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.

+ Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

+ Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

 + Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

+ Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời…

- Chủ động tiếp nhận, phân bổ hóa chất, thuốc vật tư cho các trạm y tế, người dân để xử lý nước và vệ sinh môi trường, hướng dẫn, vận động nhân dân cùng tham gia.

- Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông trên báo đài, các thông tin về hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường, giám sát dịch bệnh trong mùa bão lụt, trên nhiều kênh thông tin, hội nhóm, tổ, thôn bản để người dân tiếp cận có thể làm theo hướng dẫn.

 - Hướng dẫn người dân tăng cường công tác khử khuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh trong gia đình, đường làng, ngõ xóm, nơi công tác.

 Khi phát hiện các trường hợp bệnh nghi ngờ, chia sẻ thông tin với Trung tâm Y tế tuyến huyện cùng cấp, phối hợp điều tra, thông tin cập nhật tình hình điều trị ca bệnh. Đặc biệt những trường hợp bệnh phát sinh sau mùa mưa lũ

Chấu Mai- CC VH-XH
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập