Lịch sử hình thành và phát triển huyện Bảo Thắng

Từ lâu đời, vùng đất Bảo Thắng đã là một trong những địa điểm quần cư của con người. Đã có khá nhiều hiện vật khảo cổ học đã được tìm thấy trên quê hương Bảo Thắng, đó là những dấu vết của văn hoá Sơn Vi, nền văn hoá hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hơn một vạn năm ở Phú Nhuận, Xuân Giao đã tìm thấy những chiếc rìu đá có những vết sứt mẻ, mòn vẹt, dấu hiệu của việc chặt, cắt của ngư­ời xưa. 

Nằm ở vị trí tiền đồn, cửa ngõ của Tổ quốc, Bảo Thắng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng biên cương của đất nước. Các triều đại phương Bắc nhiều lần xâm chiếm nước ta đều muốn đánh chiếm vị trí tiền tiêu Bảo Thắng, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng này.

Dưới các triều đại phong kiến, từ thời nhà Trần đến nhà Nguyễn, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng luôn phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, đứng lên đấu tranh chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp cơ bản đã bình định xâm chiếm nước ta, năm 1886 chúng tiến hành xâm lược Lào Cai, điểm khởi đầu vào làng Nhò (Trì Quang). Chúng chia làm hai cánh quân tiến dọc theo hai bờ sông Hồng đánh chiếm Bảo Thắng. Nhân dân các dân tộc ở Bảo Thắng phát huy truyền thống quật cư­ờng của người dân vùng biên ải liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Điển hình là các cuộc đấu tranh của đồng bào người Tày, người Dao xã Gia Phú, Xuân Giao (ngày 3/12/1888) với giáo mác, súng kíp tự tạo đã đứng lên đấu tranh đánh đuổi bọn thực dân Pháp và tay sai phản động. Đầu tháng 3/1905, đồng bào các dân tộc địa phương xã Phố Lu, Thái Niên, Vạn Hoà cùng các phu phen làm đường đã nổi dậy chống bọn cai thầu và thực dân Pháp khi chúng vô cớ đánh đập anh em phu phen làm đường...

 Phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Bảo Thắng mặc dù diễn ra quyết liệt nhưng do mang tính tự phát và chưa có tổ chức lãnh đạo nên đều bị thực dân Pháp đàn áp, chúng đề ra nhiều chính sách để cai trị nhân dân.

Khát vọng có cuộc sống độc lập, tự do là niềm mong ước của mỗi người dân Việt Nam nói chung và Bảo Thắng nói riêng. Đáp lại ước nguyện ngàn đời của dân tộc, của nhân dân, được sự chuẩn bị và lãnh đạo tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là sự kiện trọng đại, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, từ đây đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân cả nước đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập lên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trước xu thế phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh và huyện. Ngày 15/10/1948 Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thành lập Huyện ủy Bảo Thắng. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Bảo Thắng. Từ đây, phong trào cách mạng của huyện nhà chính thức có một bộ máy của Đảng lãnh đạo, hướng phong trào cách mạng của huyện hoà vào dòng thác cách mạng chung của cả tỉnh và cả nước.

Sau khi ra đời, Huyện ủy đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh chống sự đô hộ của thực dân Pháp và góp sức người, sức của cùng cả nước đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống cách mạng hơn 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ 02 chi bộ đầu tiên với hơn ba chục đảng viên đến nay Đảng bộ huyện 58 tổ chức cơ sở Đảng với 3.795 đảng viên được sinh hoạt tại 369 chi bộ. Trải qua 28 kỳ đại hội, với mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ huyện đều đề ra được những nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương, tiếp tục đưa Bảo Thắng phát triển đi lên.

Từ năm 2000 đến nay: dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ, BCH Đảng bộ huyện Bảo Thắng đã trải qua các kỳ Đại hội, tập trung xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề, cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương.

Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế để dồn sức thực hiện, nên từ năm 2000 đến nay, huyện Bảo Thắng đã có sự đổi thay lớn. Nền kinh tế nông nghiệp có bước tăng trưởng toàn diện, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Từng bước phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Sản xuất lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, từ lâm nghiệp có quản lý, đầu tư của nhà nước sang lâm nghiệp xã hội có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) xây dựng cơ bản (XDCB) được đẩy mạnh và phát triển. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các loại hình dịch vụ có bước phát triển mới theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Văn hoá - xã hội được quan tâm đúng mức, đã đạt nhiều tiến bộ, đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường, tạo cơ sở vững chắc để phát triển KT- XH. Sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh và tương đối toàn diện. Công tác y tế được chú trọng, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân…

 Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Bước vào năm 2012 công tác xây dựng nông thôn mới được BCH đảng bộ huyện coi là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, đã tạo được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng của nhân nhân. Do vậy, trong năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Các công trình giao thông đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Đến nay 14/14 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm,98,7% số thôn bản có đường xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Kinh tế phát triển, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chú trọng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT, hệ thống sóng truyền thanh - truyền hình được phát triển sâu rộng từ huyện đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Bản sắc văn hoá các dân tộc đã được duy trì và phát triển, hàng năm đều tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Giáo dục - đào tạo  có nhiều chuyển biến, giữ vững và dần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Huyện Bảo Thắng xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là  trọng tâm; dịch vụ-thương mại là  mũi nhọn; xây dựng hệ thống chính trị và đào tạo nguồn nhân lực là  then chốt. Đảng bộ huyện thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo, xác định công việc trọng tâm, sâu sát cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng trên cả ba mặt đã mang lại hiệu quả. Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp uỷ Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nên đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân thấu suốt quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên định con đường đi lên CNXH; có lập trường chính trị vững vàng, ủng hộ những chủ trương, định hướng lớn của cấp uỷ chính quyền địa phương, Đảng bộ huyện hằng năm đều đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang