Bảo Thắng chú trọng xây dựng vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao
Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực có giá trị, cho sản phẩm thường xuyên ổn định, đảm bảo cuộc sống cho người dân, huyện Bảo Thắng sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Những ngày này, trên đồi chè bạt ngàn xanh mướt, người dân xã Phú Nhuận ( huyện Bảo Thắng) đang tất bật thu hoạch. Thời tiết từ đầu năm tới nay khá thuận lợi, chè xanh tốt, búp đều và dày nên bà con càng thêm phấn khởi gắn bó với cây chè.
Anh Đỗ Thanh Long, một trong những hộ có diện tích trồng chè lớn ở thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận chia sẻ: Cách đây 3 năm gia đình anh nhận thầu toàn bộ diện tích chè này của một số hộ dân địa phương, sau đó anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc chế biến chè, đến nay sản phẩm chè của gia đình anh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đảm bảo sạch và an toàn
Hiện tại, gia đình anh Long có 3 ha giống chè Lai 2, một năm thu hoạch 6 lứa chè chính vụ. Năng suất bình quân ước đạt 4 tấn chè tươi mỗi ha, với giá bán bán 6.000 đồng/kg chè búp tươi, đầu ra ổn định, ước vụ chè năm nay gia đình anh thu về trên 70 tấn chè búp tươi trị giá khoảng 420 triệu đồng ,trừ chi phí cũng để ra được 300 triệu đồng. Đặc biệt gia đình anh còn tạo việc làm cho từ 3-5 lao động thời vụ.
Từ việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chế biến, sản xuất chè, mô hình kinh tế của gia đình anh Long đã trở thành điểm đến của rất nhiều hộ dân khác đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Ông Trần Quang Chương - Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: hiện toàn xã có 177 ha, chủ yếu là chè kinh doanh, gồm các giống chè Lai 1, Lai 2 và Bát Tiên, chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất chè sạch và an toàn, do vậy từ nhiều năm nay, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Được biết mỗi ha chè búp tươi cho năng suất 4-5 tấn/ha, với giá bán từ 6.000- 6.500 đồng/1 kg. Theo tính toán một năm Phú Nhuận thu về khoảng 900 tấn chè búp tươi, trị giá trên 5 tỷ đồng. Cây chè thực sự đã đóng vai trò to lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động, trong việc xóa đói giảm nghèo và dần dần tiến tới làm giàu cho người trồng chè trên địa bàn xã. Quan trọng hơn là cây chè đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; ý thức về phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường của người dân từng bước được nâng cao; phát triển sản xuất phải bền vững, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, làm cho môi trường xanh-sạch-đẹp và an toàn.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng chè, thời gian qua, Bảo Thắng tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình thâm canh, phát triển vùng chè chất lượng cao gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu chè Bảo Thắng. Hiện toàn huyện có tổng diện tích 509 ha chè, chủ yếu gồm các giống Bát Tiên , Phúc Văn Tiên, Ô Long ... Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 1.800 tấn. Thị trường tiêu thụ trong tỉnh và các nước Trung Đông. Giá chè búp tươi chất lượng cao áp dụng cho khu vực Ải Nam, thị trấn Phong Hải loại 1 là 12.000đồng/ 1 kg; loại 2 là 10.000 đồng/ 1 kg; các khu vực khác từ 5.500 - 6.500 đồng/1 kg.
Có thể thấy, cây chè đã khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn ở Bảo Thắng trong đó có xã Phú Nhuận - địa phương được chọn làm trọng điểm quy hoạch vùng trồng chè của huyện đang ngày càng phát triển với quy mô lớn.

Thời gian tới, huyện Bảo Thắng sẽ tập trung bảo vệ các diện tích chè hiện có, tổ chức thực hiện việc trồng mới; trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cùng đó, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương cụ thể, liên kết, gắn với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn; hỗ trợ các đơn vị chế biến xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập của người làm chè.