BẢO THẮNG ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN GIẢM THIỂU TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, với 20 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó, đồng bào dân tộc thiếu số chiếm hơn 40%. Trên địa bàn huyện những năm trước kia, tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn biến khá phức tạp. Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành trong huyện đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Thắng nhiều năm trở về trước diễn biến khá phức tạp. Đời sống của những gia đình “nhí” thường gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em sinh ra ốm yếu, dị tật, suy dinh dưỡng… Lớn lên trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe giống nòi, những đứa trẻ này cũng mịt mù tương lai.
Lời ru buồn tảo hôn, cận huyết
Cùng ông Thào Seo Hạng trưởng thôn Sín Chải thuộc thị trấn nông trường Phong Hải; lội nước, men theo con đường nhỏ và vượt 3 con dốc để đến thăm hộ gia đình anh Giàng Seo Sử và chị Vù Thị Pằng. Căn nhà nhỏ được ghép từ những thanh gỗ là nơi sinh sống của vợ chồng anh và 4 người con trai. Đứa lớn năm nay đã 15 tuổi, đứa nhỏ nhất cũng đã tuổi lên 7. Dù là ngày nắng nhưng căn nhà tuềnh toàng vẫn khiến chúng tôi cảm nhận được cái lạnh của vùng núi cao theo những cơn gió rít qua khe vách. Ngày đông, chắc hẳn căn nhà còn lạnh lẽo, ẩm thấp hơn gấp nhiều lần.Trong nhà, hầu như chẳng có đồ đạc gì ngoài 2 chiếc giường nhỏ. Chị Pằng cho biết: 3 đứa lớn thì ngủ chung 1 giường còn đứa út và vợ chồng chị thì chung 1 giường. Khi được hỏi: bọn trẻ lớn cả rồi, chiếc giường này chúng nằm thế có chật không? Sao anh chị không kê thêm 1 chiếc giường nữa? Chị chỉ cười trừ… có lẽ ẩn sau nụ cười ấy là chồng chất nỗi lo về tài chính. Tiền ăn có khi còn thiếu thì lấy đâu ra tiền mua giường cho các con. Mà đã mua giường là lại thêm tiền mua chiếu, chăn, gối.
Trò chuyện với vợ chồng anh chị được biết, năm 2007 anh Sử lấy chị Pằng khi vừa đủ tuổi kết hôn. Khi ấy bố mẹ anh chia cho anh và 6 anh em trong nhà mỗi người một ít đất. Những tưởng có đất đai canh tác thì cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Nhưng vì sinh nhiều con nên kinh tế mãi không khá lên được. Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Chuyện có những lúc thiếu ăn cũng không có gì là lạ với gia đình. Bởi cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào nương ngô với 3kg giống. Lúc thuận lợi thì thu nhập của gia đình được thêm thắt từ việc anh đi làm thuê. Nhưng lâu nay anh cũng không có việc làm. Giờ thì anh đã thấm lắm cái nghèo khó khi nhà sinh đông con. Nên anh cũng muốn cho các con anh được học hành và không theo lệ của người Mông lấy vợ sớm mà sẽ chỉ kết hôn khi đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Còn chị Pằng vợ anh thì không khi nào quên được lúc khó khăn mỗi khi trong nhà có người ốm là phải chạy vạy khắp nơi. Mà sau mỗi lần sinh nở là sức khỏe của chị giảm sút; thậm chí 2 đứa con sau sức khỏe cũng không được tốt như các anh của chúng.
Hay như trường hợp em Giàng Thị Chung mới 17 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà cô bé người Mông này đã làm vợ, làm mẹ. Học hành dang dở lại chưa có kiến thức chăm sóc chồng, con. Nên cô bé sau khi sinh con thì mới thấy tiếc nuối vì lấy chồng sớm.
Điều đáng buồn, Giàng Thị Chung không phải là trường hợp cá biệt tại thôn Xín Chải Thị trấn nông trường Phong Hải nghỉ học, lấy chồng sớm, và số hộ sinh con thứ 3, thứ 4 trở lên ở Xín Chải chiếm số đông.
Tương tự, anh Cư Seo Xẻng cũng ở thôn Xín Chải, năm nay mới 31 tuổi nhưng đã có tới 4 đứa con. Nhìn qua, thật khó để nhận biết trong số chúng đâu là anh, chị, đâu là em, vì những đứa trẻ sàn sàn độ tuổi, chỉ cách nhau theo từng năm. "Mình thích đông con, vợ cũng thích nên mới đẻ được chứ!” - anh Xẻng lý giải về sự đông con của mình.
Ở địa phương vùng cao, quan niệm về việc sinh con đẻ cái như anh Xẻng, chị Pằng không hề ít. Ảnh hưởng từ phong tục tập quán, quan niệm của người dân về việc sinh con để có người giúp đỡ gia đình làm việc, hay sinh con trai để thờ cúng, nối dõi tông đường... khiến cho những đứa trẻ cứ lần lượt ra đời như một lẽ hiển nhiên
Đại diện UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ của những người dân nơi đây rồi nên muốn tuyên truyền phải từ từ và làm có bài bản. Kết hợp giữa nhiều cơ quan, đoàn thể để cùng xóa bỏ thói quen này. Thực tế đã cho thấy đủ độ tuổi trưởng thành theo quy định thì suy nghĩ cũng khác hơn, khả năng lo toan cuộc sống và kỹ năng chăm sóc con cái cũng tốt hơn.
Những giải pháp đồng bộ, tích cực
Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và từng bước tiến tới giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Các nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, sáng tạo dưới nhiều hình thức; tập trung vào những hệ lụy, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như: trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Những bà mẹ trẻ mất đi cơ hội học tập, làm việc ở môi trường tốt hơn; kinh tế gia đình bị hạn chế…
Tại bản vùng cao người Mông ở thôn Ải Nam, Thị trấn nông trường Phong Hải, hộ gia đình anh Cư Seo Mười lại là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình hạnh phúc và làm kinh tế giỏi. Anh Mười cho biết, với vai trò là trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh đã phát huy vai trò của mình, nêu gương sáng trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Anh đã cùng các cán bộ thôn đến từng gia đình tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ban đầu, nhiều người không tin. Anh Mười kiên trì đưa ra mọi lý lẽ thuyết phục, lấy “gương” ngay các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết có con bị bạch tạng, còi cọc không phát triển như người bình thường để minh chứng cho việc không nên tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhờ đó, hơn 2 năm qua thôn Ải Nam đã thoát khỏi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Có thể nói, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, bước đầu người dân đã chú ý đến việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật; từng bước nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm pháp luật do chủ quan, thiếu hiểu biết. Đồng thời việc triển khai thực hiện Đề án cũng đã từng bước thay đổi cách nghĩ và hành vi ứng xử về mối quan hệ hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Thắng, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Số trường hợp tảo hôn giảm dần qua các năm. Minh chức cho thấy, giai đoạn 2014 - 2017, huyện Bảo Thắng có tới 377 trường hợp tảo hôn (trung bình mỗi năm xảy ra 94 trường hợp), tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể đã và đang đem lại những tín hiệu tích cực, 8 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện số trường hợp tảo hôn đã giảm xuống còn 6 trường hợp. Điều đáng mừng là trong 5 năm trở lại đây địa phương không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Trong số những trường hợp tảo hôn chủ yếu xảy ra ở các hộ đồng bào Mông, đồng bào Dao, Giáy....
Những kết quả trên là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên rõ rệt, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng này ở địa phương. Tuy nhiên để đạt mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là phấn đấu chấm dứt cơ bản tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Thắng. Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng trong quá trình triển khai thực hiện và còn rất nhiều việc cần phải làm, song với sự quyết tâm vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn sẽ được kiểm soát và chấm dứt trên địa bàn huyện Bảo Thắng trong thời gian không xa, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác và chính sách dân tộc của Đảng, của Nhà nước cũng như thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số (DTTS).