Chỉ thị số 40-CT/TW: “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách tại Bảo Thắng
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại huyện Bảo Thắng, sau gần 10 năm triển khai thực hiện đã khẳng định quan điểm nhất quán trong định hướng nhận thức của chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Để chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống. Huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung chỉ thị tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cụ thể hóa thành kế hoạch, đưa mục tiêu vào chương trình giai đoạn, hằng năm để triển khai thực hiện. Đặc biệt cùng với nguồn lực của Trung ương, huyện Bảo Thắng ưu tiên bố trí ngân sách sang kênh Ngân hàng CSXH, bổ sung vốn vay cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Tính đến hết tháng 5, tổng dư nợ trên địa bàn huyên là gần 712 tỷ đồng, với trên 10.200 hộ được vay vốn. Trong đó, ngân sách bổ sung là gần 9,6 tỷ đồng, gồm ngân sách tỉnh trên 2,3 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 7,3 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay chủ yếu là phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh dịch vụ. Theo đánh giá, các hộ được vay vốn ưu đãi đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Anh Đặng Văn Hà, ở thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu, trước đây thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng, nuôi thêm con gà, con vịt và lúc rảnh thì đi rừng kiếm củi, kiếm măng. Nhiều đêm trằn trọc muốn thoát nghèo nhưng anh Hà đành bất lực vì không có vốn và không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì. Thế rồi may mắn năm 2008 anh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, vốn dành cho hộ nghèo, nhờ sự tư vấn của chính quyền địa phương, anh Hà đầu tư vào trồng rừng, nuôi trâu sinh sản và nuôi gà, vịt để cải thiện cuốc sống gia đình. Đến năm 2018 gia đình anh đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà khang trang cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Anh Hà tiếp tục mạnh dạn vay vốn NHCSXH thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn cận nghè và tiếp tục đầu tư trồng rừng, mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Sau một năm, đến năm 2019 gia đình anh đã thoát hộ cận nghèo.

Hiện tại gia đình anh có 6 ha rừng, trong đó có 2 ha quế đã 10 năm tuổi, bình quân mỗi năm bán từ tỉa thưa cành, lá quế và gỗ rừng trồng, cũng cho gia đình anh thu gần 100 triệu đồng. Với 2 con trâu sinh sản một năm anh bán 2 nghé con được 40 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn trồng 5 sào lúa nước, mỗi năm thu gần 2 tấn, trị giá 20 triệu đồng. Nhờ đầu tư bài bản, nắm vững kỹ thuật nên trung bình mỗi năm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Hà cho thu về 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Anh Hà cho biết, nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng CSXH với thời gian vay dài, lãi suất ưu đãi chính là động lực để vợ chồng anh Hà mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Giờ gia đình anh đã trả hết vốn vay. Các con đều được ăn học đàng hoàng và con gái lớn cũng đã học Đại học sư phạm năm thứ 4.
Tương tự, gia đình bà Lý Thị Hoa ở thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu, là một trong những hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2018, sau khi được tiếp cận nguồn vốn nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Hoa đã như được tiếp thêm sức mạnh, là nguồn động viên lớn để gia đình đầu tư vào phát triển chăn nuoi, trồng rừng.
Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018 gia đình bà Hoa mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cộng với số tiền tích góp được, gia đình đầu tư trồng rừng và chăn nuôi. Hiện gia đình bà Hoa có gần chục ha rừng, trong đó diện tích quế hơn 5 ha từ 3 năm đến chục năm tuổi đã cho thu từ tỉa cành lá quế , còn lại là bồ đề, trẩu và gỗ tạp.
Với 2 sào ao nuôi cá gồm các loại cá trắm, cá chép, chủ yếu phục sinh hoạt trong gia đình. Với đàn dê gần chục con, mỗi năm gia đình bà xuất bán từ 6-7 con. Bên cạnh đó bà còn nuôi gà cũng chỉ để cải thiện cuộc sống hằng ngày cho gia đình.
Bà Hoa kể: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho gia đình bà phát triển sản xuất ổn định nên mấy năm nay kinh tế gia đình khấm khá lên. Năm 2022 gia đình bà tiếp tục vay vốn cận nghèo 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ được vay nguồn vốn kịp thời và nhanh chóng từ NHCSXH huyện mà gia bà có điều kiện để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế và đến nay đã thoát cận nghèo. Tổng thu nhập của gia đình bà Hoa bình quân từ 70-80 triệu đồng/ năm đã trừ chi phí.
Chị Bàn Thị Nhắn – Bí Thư chi bộ thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu cho biết:
Toàn thôn có 56 hộ, trong đó chiếm gần 90% là đồng bào dân tộc Dao. Thông qua nguồn vốn này mà nhiều hộ dân trong thôn đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đến nay toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo.
Với “kim chỉ nam” là Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện và các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng CSXH hiệu quả, đúng quy định; nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống Nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn “tín dụng đen”, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Theo kết quả điều tra 6 tháng năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 5% và thu nhập bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng.

Có thể thấy, kết quả đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã khẳng định rõ nét sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá của Đảng, Nhà nước đối với thực hiện tín dụng CSXH. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Đáng nói nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện mà có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Bà Đỗ Thị Hường – Phó GĐ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện khẳng định: Với việc triển khai sâu rộng, quyết liệt Chỉ thị số 40-CT/TW, trên địa bàn huyện đã tạo cuộc cách mạng về nhận thức, hành động; thúc đẩy mạnh mẽ thay đổi tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách về tín dụng, tạo sự chủ động phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng CSXH ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.
Có thể thấy, hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã có mặt trên 14 xã, thị trấn, trên địa bàn huyện Bảo Thắng, không có thôn, bản, tổ dân phố trắng tín dụng chính sách xã hội. Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thì nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, nhờ đó chất lượng tín dụng trên địa bàn ngày một nâng lên.