Trong các văn kiện của Đại hội đảng bộ các cấp, báo cáo chính trị là một trong những nội dung quan trọng nhất, không thể thiếu của đại hội. Báo cáo chính trị vừa là văn kiện vừa có giá trị tổng kết toàn diện, chính thống, khoa học, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ và nhân dân về đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của cấp ủy đảng trong nhiệm kỳ; đồng thời, vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, khả năng dự báo và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Để báo cáo chính trị trình Đại hội đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra, cần thực hiện một số nội dung như sau:
Tiêu đề (chủ đề) của báo cáo chính trị;
Xác định tiêu đề báo cáo chính trị, thường gồm các thành tố: Về Đảng; về dân, về đổi mới; về quyết tâm phát triển. Tiêu đề phải có tính khái quát, bao trùm, ngắn gọn, súc tích, có tính định hướng chính trị, tư tưởng cao, thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ, quyết tâm trong nhiệm kỳ mới; là khẩu hiệu hành động, dễ nhớ, dễ hiểu, thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ;
Về báo cáo chính trị, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm, toàn diện, khách quan kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Bên cạnh các nhận định, đánh giá kết quả, cần có hệ thống số liệu minh họa cụ thể, chính xác (có thể có phần phụ lục riêng). Những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo cần được chắt lọc, phản ánh, diễn đạt và khái quát lên tầm lý luận, qua đó động viên, khuyến khích tìm tòi, đổi mới, phát triển. Các hạn chế, yếu kém phải được chỉ rõ với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tránh mắc bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, chủ quan, duy ý chí.
Báo cáo chính trị được tổ chức thảo luận, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức liên quan và ý kiến của cấp ủy cùng cấp; tổ chức lấy ý kiến góp ý kiến các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt, cán bộ hưu trí, các chuyên gia, trí thức và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức phù hợp.
Phần phương hướng, nhiệm vụ:
Yêu cầu về nội dung của phần này là trên cơ sở dự báo đúng đắn, sát thực tình hình trong nước, trong tỉnh và địa phương, báo cáo chính trị phải đề ra được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp có cơ sở khoa học, vừa thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đảng bộ và nhân dân, vừa có tính khả thi cao. Trong những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong báo cáo vừa phải có nhiệm vụ và giải pháp mang tính cơ bản, chủ yếu, chiến lược, lâu dài, vừa phải có những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và giải pháp đột phá trên một số lĩnh vực, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực của địa phương.
Để sớm đưa nghị quyết đại hội đi vào cuộc sống, các cấp uỷ xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 trình đại hội. Căn cứ nhiệm vụ đề ra trong dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo nghị quyết, các cấp ủy xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện với nhiệm vụ, việc làm cụ thể thông qua các đề án, kế hoạch, chương trình, có phân công, phân nhiệm, lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, gắn kết chặt chẽ với công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Dự thảo chương trình hành động được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, thông quá cấp ủy cùng cấp trước khi gửi đại biểu dự đại hội góp ý.
Trên đây là một số gợi ý trong công tác chuẩn bị báo cáo trình Đại hội Đảng, các chi, đảng bộ nghiên cứu tham khảo.