KHƠI DẬY TINH THẦN ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VÀ 7” DÁM”CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là lực lượng quyết định hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và bộ máy nhà nước nói riêng, là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Do đó, việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 và phấn đấu hoàn thành 24 mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra
Ý nghĩa của việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và “7 dám”
Khơi dậy, khuyến khích cán bộ, công chức phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung" luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhân tố, nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo động lực thúc đẩy để phát triển đất nước.
Đối với tinh thần đổi mới, sáng tạo: đổi mới là “thay đổi cho khác hẳn với trước, tiến bộ hơn, khắc phục tình trạng lạc hậu, trì trệ và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”. Sáng tạo là “tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần; tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có”. Trước sự vận động và phát triển của xã hội, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải luôn học hỏi và phát triển bản thân để thích ứng với tình hình mới; phải tiên phong phát huy và nắm giữ vai trò mở đường, dẫn dắt và kiến tạo phát triển trước những khó khăn, thách thức mới, chưa có tiền lệ.
Đối với tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung: trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc… khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Như vậy, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ là luôn trăn trở, tích cực tư duy, suy nghĩ về những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra từ nhu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đặc biệt là những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.Dám nói, là thẳng thắn, tự tin bày tỏ, trình bày về những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, cũng như thể hiện quan điểm, lập trường của mình một cách cụ thể, khoa học mà không sợ bị chỉ trích hay trù dập. Dám làm, là mạnh dạn, chủ động đảm nhận và thực thi nhiệm vụ được giao; quyết tâm trong triển khai thực hiện những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ nhu cầu khách quan, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý. Dám chịu trách nhiệm, là luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, dám chịu trách nhiệm còn được hiểu là việc cán bộ dám chấp nhận và sẵn sàng gánh chịu những hậu quả xảy ra từ những rủi ro, thất bại trong quá trình thi hành nhiệm vụ được giao, thực hiện những sáng kiến của mình.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; tình trạng chủ nghĩa cá nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ; năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế; chế độ đãi ngộ, tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống
Giải pháp tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và 7 dám
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, sứ mệnh của cá nhân đối với sự nghiệp đổi mới.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những CBCC đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh và uy tín gắn với kiên quyết loại bỏ những CBCC thiếu về phẩm chất đạo đức và năng lực, tinh thần đổi mới, làm cho cơ quan, đơn vị trì trệ, yếu kém.
Bốn là, có chính sách đãi ngộ cán bộ, từng bước đảm bảo và nâng cao đời sống. Đây chính là động lực về vật chất giúp CBCC có thể chuyên tâm cho công việc, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nâng cao động lực và hiệu quả làm việc, tinh thần cống hiến đội ngũ CBCC./.