Văn Hóa - Xã hội

- Về Văn hóa:

Bảo Thắng cũng là vùng bảo tồn đư­ợc nhiều loại hình văn hoá dân gian và nếp sống cộng đồng có tính chất dân chủ, bình đẳng. Đó là sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo của đồng bào Dao Họ ở xã Sơn Hà. Cả hệ thống múa nhảy (múa kiếm, múa sạp, múa hoá trang), đến hệ thống dân ca phong phú (tử làn điệu du con, hát giao duyên, hát giáo huấn...) đã hoà quyện vào nhau tạo thành các lễ hội dân gian độc đáo. Đặc biệt các nhạc cụ như­ trống tăng sành, trống đất với những hình thức độc tấu, hoà tấu, làm nhạc đệm cho các sinh hoạt văn hoá đã trở thành sản phẩm văn hoá tinh thần nhiều giá trị của Lào Cai. ở những vùng đồng bào Tày có sinh hoạt hát then, hát giao duyên đêm xuân, hội xuống đồng. Văn học dân gian phát triển khá mạnh với các loại hình truyện cổ, dân ca,tục ngữ. Nhiều sáng tác dân gian đ­ược tuyển chọn trong các tập "Dân ca Giáy , "Dân ca Mông”, "Truyện cổ Dao", Truyện cổ Phù Lá"...Các dân tộc ở Bảo Thắng chung sống xen kẽ ở dải biên cư­ơng, nên đã tạo thành nếp sống cộng đồng, đoàn kết, các gia đình đều quanh tụ trong làng bản.

Mỗi dân tộc ở Bảo Thắng có nét văn hóa riêng, đồng bào dân tộc thiểu số: Tày, Giáy, Dao, Mông, Phù Lá có dân số đông và vẫn còn lưu giữ được vốn văn hóa bản sắc dân tộc nhiều phong tục, tập quán riêng, trong những năm qua huyện đã bảo tồn vốn dân ca dân vũ; trang phục truyền thống; lễ hội của các dân tộc của 5 xã: Dân tộc Dao Tuyển xã Trì Quang, Xuân Quang, Dân tộc Tày xã Phú Nhuận, Dân tộc Mông xã Bản Cầm, Thái Niên, Dân tộc Giáy TT Phong Hải, dân tộc Phù Lá xã Phong Niên, Xuân Quang. Bảo tồn được 6 lễ hội đặc sắc, có giá trị của các dân tộc. Sưu tầm bộ sưu tập hiện vật có giá trị, tiêu biểu sách cổ dân tộc Dao xã Sơn Hà, Xuân Quang, di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng xã Phú Nhuận, Bản Phiệt. sinh hoạt hát then, hát giao duyên, nghi lễ then cổ xã Phú Nhuận. Toàn huyện có 5 di tích lịch sử được UBND tỉnh công nhận (di tích lịch sử Soi Cờ; Soi Giá, Di tích đền Đồng Ân xã Thái Niên, di tích đền Cô Ba, di tích danh thắng thác Đầu Nhuần xã Phú Nhuận)  01 di tích cấp Quốc gia di tích chiển thắng Đồn Phố Lu.

- Về Xã hội:

Tr­ước khi thực dân Pháp đặt ách cai trị, Bảo Thắng là vùng đất nằm dư­ới quyền cai trị của quan lại triều Nguyễn. Tuy nhiên, bộ máy chính quyền nhà Nguyễn mới ở định hình ở cấp châu, còn các tổng, xã ở bên d­ưới đều thuộc quyền tự trị, cát cứ của các thổ hào địa phư­ơng, mỗi thổ hào cai quản một mư­ờng và trực tiếp thống trị bản Chiếng (bản trung tâm của mường). Mỗi m­ường có lực lư­ợng vũ trang, có bộ máy cai trị riêng. Nhân dân bị các chủ m­ường bóc lột. Đó là bộ máy phong kiến ở vùng thấp. Còn ở vùng cao, tổ chức thành các "Động", "Sách" do một số tầng lớp trên cầm đầu, cai trị.

  Trước Cách mạng tháng Tám, cũng giống như các nơi khác của Lào Cai, ở Bảo  Thắng tồn tại chế độ lang đạo hà khắc. Người nông dân có nghĩa vụ phải phục vụ tuyệt đối các nhà lang. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng vẫn cho duy trì chế độ lang đạo, thiết lập bộ máy cai trị từ huyện đến xã. Dưới hai tầng áp bức, cuộc sống của nhân dân lao động đã khổ cực lại càng cùng cực hơn, đã thiếu cơm ăn, áo mặc lại phải nộp thêm rất nhiều loại thuế. Bọn thực dân, phong kiến còn thi hành chính sách ngu dân, tuyên truyền văn hoá phản động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Kinh - Mường nhằm dễ bề cai trị, bóc lột nhân dân ta. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, ruộng đất bị bọn địa chủ, cường hào cướp hết để lập đồn điền. Người dân lao động bị bần cùng hoá, mất hết ruộng đất nên phải đi làm thuê, cuốc mướn với tiền công rẻ mạt, lại phải đi phu để khai phá đường giao thông, khai thác lâm thổ sản... cuộc sống vô cùng lầm than, khổ cực. Thâm độc hơn, chúng còn tìm cách khuyến khích các tệ nạn rượu chè, nghiện hút, cờ bạc phát triển khiến đời sống nhân dân càng thêm tăm tối.

          - Danh thắng

         - Từ lâu đời, Bảo Thắng đã là một vùng đất có lịch sử. Khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của văn hóa Sơn Vi, nền văn hóa hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hơn một vạn năm. Ở Phú Nhuận, Xuân Giao đã tìm thấy những chiếc rìu đã có những vêt sứt mẻ, mòn vẹt, dấu hiệu của việc chặt, cắt của người xưa. Dấu vểt người nguyên thủy thời đại đồ đá mới cách đây khoảng 7.000 đến 8.000 năm cũng được tìm thấy ở Bảo Thắng; Qua các bộ sưu tầm về công cụ ta có thể thấy được vào thời kỳ này, các bộ lạc nguyên thủy ở đây đã có trình độ về kinh tế và kỹ thuật tương đương với các vùng khác ở nước ta. Ở Phố Lu và Phú Nhuận còn tìm thấy một số rìu đồng và mũi lao đồng. Rìu đồng có 3 loại: Một loại rìu hình thang Cân, một loại rìu lưỡi xéo không mũi, gót tròn và loại rìu lưỡi xèo có mũi. Các công cụ này cũng là loại hình công cụ đồng thau của văn hóa Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước. Như vậy cách ngày nay hàng vạn năm, trên mảnh đất Bảo Thắng đã có con người đến định cư sinh sống. tính lên tục của hiện vật khảo cổ càng minh chứng địa bàn cư trú lâu đời (từ hậu kỳ đá cũ đến thời đại Hùng Vương của con người trên vùng đất Bảo Thắng và khi nhà nước Văn Lang ra đời, miền đất biên cương này đã trở thành một bộ phận của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu dựng nước)

            Danh thắng: Thác Đầu Nhuần xã Phú Nhuận đây là danh thắng có vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên dòng chảy đã trải qua hàng trăm hàng nghìn năm kiến tạo địa chất và cảnh quan môi trường xung quanh. Danh lam thắng cảnh thác Đầu Nhuần bao gồm tổ hợp 3 thác nước lớn và hàng chục thác nước nhỏ, cùng với khu rừng nguyên sinh rộng lớn, với vẻ đẹp của thác Đầu Nhuần có thể nói thay đổi theo độ cao. Trước sự hùng vĩ của những dãy núi cao trùng điệp, thác Đầu Nhuần đổ từ trên xuống như những dải lụa trắng lơ lửng giữa màu xanh của núi rừng bao la. Lúc thì dữ dội tung bọt trắng xóa, ào ào như tiếng gầm rú vang vọng một góc trời. Lúc thì dịu nhẹ như dòng suối mây, lướt qua những khóm cây, những cánh đồng bao la. Lúc lại róc rách qua các khe đá như bản hòa tấu âm thanh gợi cho người nghe cảm giác mê hoặc như được đắm chìm trong không gian tĩnh lặng giữa đại ngàn mênh mông để tận hưởng món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng. Ẩn mình dưới màu xanh của núi rừng, thác Đầu Nhuần hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp mộng mị rất đỗi chân nguyên của mình. Cùng với không gian văn hóa đặc sắc của người Dao, người Tày sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trong chuyến tham quan ngược dòng suối Nhuần.

          Đến Phú Nhuận, du khách còn được khám phá nét đẹp văn hóa của người Tày sống tập trung ở trung tâm vùng thung lũng bằng phẳng ven suối Nhuần, hình thành nên nền văn hóa nông nghiệp đặc trưng nơi hạ lưu với những làng quê trù phú, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, những đồi chè tỏa hương thơm ngát. Người Tày còn giữ được khá nhiều nét văn hóa truyền thống, ở khu vực Cụm Nhuần, thôn Tân Lập làng bản của người Tày được trang trí một màu xanh ngắt của lá cọ. Hai bên đường đi, cọ cao vút xòe tán tỏa bóng mát, đâu đó những ngôi nhà sàn nhấp nhô ẩn hiện cùng làn khói bếp bay bay dưới nắng chiều in nghiêng tạo nên khung cảnh nên thơ lãng mạn của làng quê thanh bình. Những món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, cốm, vịt lam, vịt nấu măng chua, cơm lam, nem măng đắng, cá suối... tạo nên bức tranh ẩm thực phong phú đa dạng với nguồn nguyên liệu tươi sạch do người dân làm ra. Nơi đây, vẫn còn lưu giữ những làn điệu Then cổ được nghệ nhân truyền dạy trong câu lạc bộ then và nghệ thuật hóa đưa lên sân khấu, đưa vào nhà trường giảng dạy để khơi lên lòng yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Đặc biệt là du khách sẽ được tham dự lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) của người Tày tổ chức ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm../

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang