Xã Bản Phiệt

1. Điều kiện tự nhiên: Bản Phiệt là xã biên giới của huyện Bảo Thắng có đường biên giới chung với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 6.743 m. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.219 ha, chiếm 4,86% tổng diện tích đất tự nhiên huyện Bảo Thắng. Trong đó:

- Đất nông nghiệp: 1.826,22 ha, chiếm 56,73%.

- Đất Phi nông nghiệp: 321,53 ha, chiếm 9,99%.

Trung tâm xã cách trung tâm huyện Bảo Thắng 42 km.

Vị trí địa lý: Nằm trong khoảng toạ độ từ 22027’51’’ đến 22033’40’ vĩ độ Bắc và từ 103059’57’’ đến 104004’42’’ kinh độ Đông, xã bản Phiệt tiếp giáp với các đơn vị hành chính:

     - Phía Đông Bắc giáp xã Bản Lầu huyện Mường Khương.

     - Phía Đông – Đông Nam giáp xã Bản Cầm, xã Thái Niên và TT Phong Hải.

     - Phía Tây Nam giáp thành phố Lào Cai .

     - Phía Tây Bắc giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

2. Dân số: Xã có 1.038 hộ với 4.168 khẩu, với 11 dân tộc anh em cùng chung sống trên 12 thôn. Dân tộc kinh chiếm 56,6%; Dân tộc Dao chiếm 18,3%; Dân tộc Giáy chiếm 16,0%; Còn lại là dân tộc khác. Trong đó có 7 thôn thuộc thôn đặc biệt khó khăn, 3 thôn giáp biên giới Việt Trung. Giao thông của xã tương đối thuận lợi vì có hai đường quốc lộ chạy qua, đó là quốc lộ 70 và quốc lộ 4D; 100% số thôn trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 95% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh.

Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp, chiếm khoảng 80 % tổng thu nhập toàn xã. Một số năm gần đây ngành thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đã có sự phát triển, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động. Trên địa bàn xã hiện đã có 02 HTX, 01 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và bốc xếp hàng hóa nông sản. Ngoài ra còn một vài doanh nghiệp nhỏ, một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, sản xuất gạch không khói…

Về khoáng sản: Trên địa bàn xã có một số điểm mỏ nhỏ Caolin-Felspat đã được thăm dò địa chất và đang có kế hoạch khai thác.

3. Văn hóa xã hội: Trên địa bàn xã có Trường mầm non tại thôn Bản Quẩn; Trường Tiểu học tại thôn Pạc Tà; Trường Trung học cơ sở tại thôn Bản Phiệt. Các trường đều có phân hiệu tại các thôn thuận lợi cho con em các dân tộc trên địa bàn xã theo học.

Với 11 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn xã nên có rất nhiều phong tục tập quán, lễ hội mang bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc và luôn được duy trì và phát huy. Đặc biệt nổi lên trong các lễ hội truyền thống hàng năm được đồng bào duy trì tổ chức mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đó là: Lễ hội “Tiếng hát qua làng” của đồng bào dân tộc Dao; Lễ hội “ Xuống đồng” của đồng bào dân tộc Giáy. Các lễ hội trên hàng năm thường được tổ chức một ngày vào khoảng từ  ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng sau tết Nguyên Đán. Lễ hội “Tiếng hát qua làng” thường được tổ chức tại Nhà văn hóa của thôn, hoặc trung tâm của thôn nơi có sân bãi rộng để mọi người cùng tham gia các tiết mục của lễ hội; Lễ hội “ Xuống đồng” thường được tổ chức ngay trên khu vực cánh đồng có diện tích rộng, tương đối bằng phẳng để đông người có thể cùng tham gia cày bừa... Các tiết mục văn nghệ, thể thao hoặc tham gia lao động, sản xuất thường được thể hiện dưới hình thức thi tài, thi đấu giữa các đội, các tổ hoặc các cá nhân với nhau và có treo giải của Ban tổ chức.


Chung nhan Tin Nhiem Mang