DẤU ẤN LỄ HỘI ĐỀN ĐỒNG ÂN XÃ THÁI NIÊN HUYỆN BẢO THẮNG
04/03/2024
Trong 3 ngày từ 1/3 – 3/3 (tức 21 – 23 tháng Giêng), xã Thái Niên tưng bừng tổ chức Lễ hội đền Đồng Ân năm 2024. Ngày 3/3 đã diễn ra các nghi lễ rước kiệu vòng quanh thôn Quyết Tâm, dâng hương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian... mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.
Dự lễ hội có đ/c Nguyễn Quang Uý – Phó bí thư thường trực Huyện uỷ, đ/c Nguyễn Đức Bình – Phó chủ tịch UBND huyện; cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng ban chuyên môn huyện Bảo Thắng; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, xã Thái Niên và một số xã lân cận cùng đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đã về dự.
Đền Đồng Ân (tên gọi khác là đền Mi) thuộc thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên (Bảo Thắng) là di tích có lịch sử lâu đời. Tên gọi Đồng Ân có từ xa xưa với ý nghĩa là Nhân dân trong vùng biết ơn Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công trong cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên - Mông. Với vị trí chiến lược ven sông Hồng, đền Đồng Ân còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật của quân và dân Bảo Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau nhiều biến cố lịch sử, đến nay, đền Đồng Ân vẫn còn giữ lại được nền móng ngôi đền cổ, nhiều hiện vật được xác định có niên đại trên 100 năm.
Năm 2016, đền Đồng Ân được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và lấy ngày 23/1 (âm lịch) hằng năm làm ngày tổ chức lễ hội đền, còn gọi là khai ấn năm mới; lấy ngày 20/8 (âm lịch) hằng năm làm ngày tiệc chính (ngày giỗ) để du khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Trần và các vị thần được thờ phụng nơi đây.
Đền Đồng Ân gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân các dân tộc xã Thái Niên nói chung và du khách thập phương nói riêng. Trong tương lai Đền Đồng Ân sẽ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch tâm linh của tỉnh Lào Cai, khi được kết nối với các điểm di tích khác trong tỉnh như đền Thượng Lào Cai, đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên)...
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút hàng nghìn người dân trong và ngoài huyện tới đền dâng hương, tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương như Rước kiệu, tế lễ và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, trèo cây mỡ …
HCX