CHÚ TRỌNG KỸ NĂNG XỬ LÝ TÌNH HUỐNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC

    Trong thực tiễn giáo dục, người giáo viên thường đứng trước nhiều tình huống dạy học khác nhau. Bất kỳ cấp học nào cũng có những tình huống mà các thầy, các cô gặp phải. Có những tình huống đơn giải có thể dễ dàng xử lý, nhưng cũng có những tình huống khá phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi người giáo viên phải thật khéo léo, tinh tế để giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý, góp phần tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

    Đối với học sinh, trường học là ngôi nhà, gia đình thứ hai. Bởi vậy quá trình học tập, tham gia hoạt động giáo dục, sinh hoạt tại trường ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sự phát triển nhân cách, trí tuệ của các em. Xuất phát từ yêu cầu trong thực tế, hằng năm ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị cho giáo viên những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý học đường. Trên cơ sở đó giúp thầy cô thêm hiểu và có kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống. Từ hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bên cạnh chuyên môn, kiến thức.

anh tin bai

Kỹ năng xử lý tình huống là yêu cầu quan trọng của giáo viên mầm non

    Nhà giáo Nguyễn Thị Thuý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 xã Gia Phú cho biết, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, nhà trường không chỉ chú trọng xử lý tình huống trong khuôn khổ trường học mà cả trong từng tiết học hay khi giáo viên giao tiếp với học sinh, phụ huynh ngoài trường học. Bên cạnh thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, nhà trường yêu cầu giáo viên thường xuyên rèn luyện, trau dồi kỹ năng mềm để xử lý tình huống phát sinh. Ở mỗi buổi họp chuyên môn, ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhấn mạnh, trao đổi về kỹ năng, phương pháp xử lý các tình huống mới để giáo viên tiếp cận, tăng cường khả năng ứng phó.

     "Quá trình giao tiếp với học sinh, phụ huynh, thầy cô cần mềm mỏng, ứng xử có kỹ năng. Khi có tình huống khó, những giáo viên từng trải qua có thể chia sẻ với đồng nghiệp để truyền đạt kinh nghiệm. Trường hợp phát sinh tình huống ngoài khả năng giải quyết, giáo viên phải trao đổi, chia sẻ ngay với lãnh đạo nhà trường để tìm hướng giải quyết tốt nhất; không để những sự cố đáng tiếc xảy ra”, cô Thuý chia sẻ.

    Tại các trường mầm non trên địa bàn huyện, các nhà trường đã tăng cường tổ chức chuyên đề về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, bởi đây là độ tuổi trẻ có rất nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi để khám phá môi trường xung quanh. Nhiều trường học đã đưa nội dung này vào sinh hoạt chuyên môn, định hướng tư tưởng cho đội ngũ, đòi hỏi giáo viên mầm non phải kiên trì, tỉ mỉ và có tâm, để mỗi câu trả lời, mỗi giải đáp của cô đối với trẻ phải thực sự thoả đáng. Có như vậy trẻ mới tin tưởng coi cô giáo là "người mẹ thứ hai" của mình.

anh tin bai

Trường PTDTBT THCS xã Thái Niên tổ chức sinh nhật cho học sinh bán trú, gắn kết thêm tình bạn và tình thầy trò.

    Đặc biệt, tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn, ngoài học tập, vui chơi, còn liên quan đến từng bữa ăn, giấc ngủ và nền nếp sinh hoạt của học sinh, vì vậy có nhiều tình huống xảy ra, trong đó có những tình huống phức tạp đòi hỏi các nhà giáo, nhất là những CBQL, GV liên quan trực tiếp đến công tác quản lý hoc sinh nội trú, bán trú. Vì vậy, thầy cô phải có kiến thức xã hội, chuyên môn và kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ, tính chất từng tình huống để giải quyết vấn đề, tình huống đúng quy định, hợp tình, hợp lý.

    Để xử lý các tình huống phát sinh một cách hiệu quả nhất, mỗi nhà giáo cần có tâm với nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; tích cực tu dưỡng, rèn luyện; tự trau dồi tình cảm nghề nghiệp của bản thân; thực sự làm tấm gương sáng, mẫu mực để học sinh tin tưởng, học theo và làm theo./.

Lê Thu Thủy - Phòng GD&ĐT
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang